Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Google tìm bước đột phá trong phát hiện ung thư

Google tìm bước đột phá trong phát hiện ung thư

Tập đoàn Google đang nghiên cứu và phát triển phương pháp sử dụng hạt nano để theo dõi các tế bào, nhằm phát hiện sớm dấu hiệu ung thư và một số căn bệnh khác ở người.
BN-FG555-google-G-201410282216-8644-9592
Phát hiện ung thư bằng công nghệ nano được hy vọng sẽ trở thành hệ thống cảnh báo sớm, giúp nhanh chóng đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời và chủ động. Ảnh minh họa: WSJ.
Các hạt nano có kích thước nhỏ hơn một phần nghìn của tế bào máu. Theo cơ chế phát hiện ung thư, chúng sẽ tìm kiếm và bám vào các tế bào, protein hay các phân tử khác trong cơ thể. Hạt nano được đưa vào cơ thể người qua một viên thuốc. Thiết bị đeo tay nhỏ gắn nam châm sẽ đóng vai trò như một công cụ giám sát.
Andrew Conrad, người đứng đầu nhóm Life Sciences thuộc phòng nghiên cứu Google X, cho biết các bài kiểm tra chẩn đoán bệnh đều có thể được thực hiện chỉ thông qua phương pháp này. Google hy vọng nó sẽ trở thành hệ thống cảnh báo ung thư và các căn bệnh khác, giúp sớm đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả hơn.
Trả lời về câu hỏi xoay quanh vấn đề thông tin cá nhân và quyền riêng tư, Conrad khẳng định Google sẽ không thu thập và lưu trữ dữ liệu y tế. Thay vào đó, họ dự định cấp giấy phép cho các bên sẵn sàng xử lý thông tin và nghiên cứu tính bảo mật. Life Sciences mong muốn có thể khai thác dữ liệu nhằm đưa ra giải pháp điều trị chủ động hơn.
Theo WSJ, các chuyên gia nhận định công nghệ có thể trở thành hiện thực trong vòng 5-7 năm tới và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt công nghệ và xã hội. Nhóm nghiên cứu phải xác định lớp bao phủ bên ngoài giúp các hạt nano kết nối với tế bào đặc biệt. Trong khi đó, hiện Google vẫn chưa xác định được số lượng hạt nano cần thiết để hệ thống hoạt động. Ngoài ra, thiết bị đeo tay cần có thiết kế phù hợp, không quá to nhưng vừa đủ để gắn loại pin không cần sạc thường xuyên.
Chad A. Mirkin, giám đốc Viện Quốc tế về Công nghệ nano tại Đại học Northwestern, nhận định hệ thống sẽ yêu cầu tiêu chuẩn quy định cao hơn so với công cụ chẩn đoán thông thường.
Công nghệ nano được cho là đem lại hiệu quả trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ đưa ra một số ít sản phẩm thành công. Chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 20 tỷ USD để nghiên cứu công nghệ này từ năm 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét